Bộ Công Thương đề nghị hải quan cho 5 doanh nghiệp tiếp tục nhập xăng dầu

Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét để 5 thương nhân đầu mối được tiếp tục nhập xăng dầu, đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung trong nước.

Đây là các doanh nghiệp hồi tháng 8 bị thanh tra Bộ Công Thương có quyết định xử phạt hành chính và phạt bổ sung là tước giấy phép tạm thời một tháng. Các doanh nghiệp này hầu hết ở khu vực phía Nam, gồm Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu.

Mặc dù từ 6/9, 5 doanh nghiệp này đã được Bộ Công Thương tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu, họ vẫn chưa được hải quan cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu.

Trước diễn biến này, để đảm bảo cung ứng nguồn cho thị trường trong nước

Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) xem xét để các thương nhân đầu mối được tiếp tục kinh doanh xăng dầu, phục vụ sản xuất và đời sống người dân trong mọi tình huống, hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động ổn định.

Bộ Công Thương nhập xăng dầu
Nhân viên trạm xăng dầu trên trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức điều chỉnh giá bán vào lúc 15h ngày 11/10. Ảnh: Thanh Tùng

Theo lý giải của cơ quan hải quan, việc Bộ Công Thương chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tạm đình chỉ thi hành các quyết định xử phạt với 5 thương nhân đầu mối nên các quyết định xử phạt này vẫn có giá trị thực hiện.

Tức là, doanh nghiệp khi bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu thì không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu. Trường hợp doanh nghiệp vẫn nhập, sẽ bị xử phạt vi phạm gồm phạt tiền và buộc tái xuất hàng, theo Nghị định 128/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thiếu xăng dầu trên thị trường vừa qua được Bộ Công Thương nêu, do một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khu vực phía Nam bị tước giấy phép vì vi phạm hành chính, nên ảnh hưởng tới nguồn cung.

Điều này khiến loạt cây xăng ở nhiều thành phố như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương khác đóng cửa

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện, yêu cầu Bộ Công Thương khắc phục ngay tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Để đảm bảo nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương hôm 12/11 yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải ký cam kết cung ứng đủ đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ.

Bộ Tài chính hôm 11/11 cũng đã điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, một trong số lý do được nêu khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, bán hàng cầm chừng, thêm 290-560 đồng với xăng và 160-660 đồng với mỗi lít dầu. Bộ này cũng đang rà soát, cập nhật để tăng chi phí này tại kỳ điều hành giá ngày 21/11 tới.

Theo VNExpress

Xem thêm một số tin tức khác tại đây