Trong tuần tính đến ngày 2/12, dầu Nga sang châu Âu chỉ còn gần 310.000 thùng một ngày, giảm 80% so với trước xung đột.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu đang co lại nhanh chóng. Trước khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, Nga xuất khẩu trung bình hơn 1,5 triệu thùng một ngày sang khu vực này. Nhưng trong tuần tính đến ngày 2/12, con số này giảm xuống chỉ còn chưa đầy 310.000 thùng, theo số liệu theo dõi tàu biển mà Bloomberg có được.
Hôm 5/12, lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của EU đã có hiệu lực. Lệnh trừng phạt này được dự báo sẽ khiến dầu Nga vào EU về 0.
Xuất khẩu sang các nước Địa Trung Hải (gồm Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Croatia,…) trong tuần tính đến ngày 2/12 xuống thấp nhất kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Dòng chảy dầu đến đây đã giảm 4 tuần liên tiếp.
Dầu Nga xuất sang Italy cũng thấp nhất năm nay. Nhà máy lọc dầu lớn nhất Italy – ISAB – thuộc sở hữu của hãng dầu khí Nga Lukoil. ISAB gần đây rất chật vật vay vốn để mua dầu thô. Công ty này đang xử lý dầu thô của riêng Lukoil. Tuy nhiên, dòng chảy dầu này đang bị chặn lại vì lệnh cấm nhập dầu Nga của EU. Bộ trưởng Công nghiệp Italy Adolfo Urso cho biết nhà máy này sẽ tạm thời do chính phủ Italy điều hành để đảm bảo hoạt động liên tục, nhưng sẽ không bị quốc hữu hóa.
Xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và khu vực Biển Đen không đổi so với tuần trước đó. Bulgaria cũng được EU miễn tuân thủ lệnh cấm nhập dầu Nga. Dù vậy, hiện chưa rõ liệu việc Nga dọa cấm bán dầu cho các nước tham gia trần giá có ảnh hưởng đến dầu xuất sang nước này hay không.
Đến nay, dầu đã được chuyển hướng sang châu Á. Nhiều tàu dầu nhỏ đi vòng qua châu Âu, qua kênh đào Suez để chuyển hàng đến Ấn Độ và Trung Quốc. Tuyến đường này đang trở nên đắt đỏ hơn do lệnh cấm của EU và trần giá 60 USD một thùng mà phương Tây áp lên dầu Nga. Các công ty sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm, vận chuyển và tài chính cho dầu Nga nếu giá thỏa thuận cao hơn mức trần.
Chi phí vận chuyển cao đang gây sức ép lên giá dầu thô xuất đi từ cảng Baltic. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy hiện giá dầu này thấp hơn khoảng 30 USD so với dầu Brent.
Trong tuần tính đến ngày 2/12, tổng dầu thô xuất khẩu tăng 94.000 thùng một ngày, lên 2,99 triệu thùng. Số dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ (ba nước mua dầu lớn nhất) cộng với số dầu chưa có điểm đến, giảm nhẹ xuống trung bình 2,45 triệu thùng một ngày. Dù vậy, con số này vẫn cao gần gấp 4 so với trước xung đột.
Theo VNExpress
Xem thêm một số tin tức khác tại đây